Mỗi chúng ta, khi đang phải “loay hoay” với các giấy tờ, hồ sơ xin việc thì ít nhiều gì cũng từng nghe qua thuật ngữ CV và Resume và biết được rằng đây đều là những “ tấm vé thông hành “, thứ sẽ giúp chúng ta có cơ hội chạm tay tới công việc mơ ước. Nhưng:
“Tui tưởng rằng CV và Resume thực chất là giống nhau và chỉ khác nhau tên gọi chứ!”
Bạn có bao giờ “tưởng” như thế không? Nếu vậy, thì đừng lo nhé, Careeprep chúng mình sẽ đồng hành và giúp bạn phân biệt thế nào là Resume và cách viết một bản Resume là như thế nào nhé!
1. Resume là gì?
Resume là một bản tóm tắt về trình độ chuyên môn, những kỹ năng và phẩm chất phù hợp với công việc của bạn. Qua những thông tin được cung cấp trong Resume, nhà tuyển dụng sẽ xác định được ứng viên phù hợp cho công việc mà họ đang tìm kiếm và từ đó quyết định bạn được vào vòng phỏng vấn hay không sẽ được đưa ra.
Hãy luôn ghi nhớ rằng mục tiêu của Resume là cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một ứng cử viên sáng giá cho công việc và cách bạn làm việc sẽ gia tăng giá trị cho công ty.
2. Phân biệt Resume và CV xin việc
CV và Resume không chỉ khác nhau tên gọi mà chúng còn khác nhau về chức năng, cách trình bày…nữa đấy.
CV (viết tắt của cụm từ Curriculum Vitae ) là nơi để người tìm việc trình bày các thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kết quả nghiên cứu và bằng cấp và các chứng chỉ,….
CV thiên về trình bày những thành tựu liên quan đến học vấn còn Resume sẽ thiên về thể hiện những kỹ năng, kinh nghiệm thỏa mãn yêu cầu công việc.
Điểm khác biệt tiếp theo giữa CV và resume là CV có thể dùng chung trong hai trường hợp tìm việc và xin học bổng, thì resume chỉ được sử dụng khi đi ứng tuyển việc làm mà thôi.
Vì thế, trong khi CV xin việc vốn phải tuân thủ theo một bố cục chung thì với Resume, bạn có thể tự do biến tấu, tùy ý quyết định bố cục hoặc thiết kế theo sở thích miễn là đáp ứng yêu cầu của
đơn vị tuyển dụng.
Hiện nay, một số nơi sẽ ưu tiên ứng viên dùng CV khi xin việc như là các khu vực châu Á, châu Âu, châu Phi, Trung Đông,… Các quốc gia như Mỹ, Canada thì lại ưa chuộng Resume hơn là CV. Và một số nước khác như Vương Quốc Anh, New Zealand, Ireland,… thì lại chấp nhận cả Resume và CV.
Xem thêm: Bạn muốn “hô biến” CV của mình? Thử ngay 5 website sau nhé!
3. Những điều cần có trong Resume và cách trình bày chúng
3.1. Làm nổi bật trình độ học vấn của bạn
Nếu bạn là sinh viên, vậy thì học vấn của bạn là một trong những tài sản lớn nhất của bạn. Hãy Đặt phần “Học vấn” trong sơ yếu lý lịch của bạn lên đầu trang. Không chỉ bao gồm trường bạn đã học và bằng cấp bạn nhận được mà còn bao gồm bất kỳ thành tích nào khác.
Trình độ học vấn bao gồm:
- Thời gian học tập
- Các khóa học bổ trợ hoặc tu nghiệp thêm bên ngoài.
- Chuyên ngành đào tạo.
- Nơi đào tạo, giấy chứng nhận được cấp bởi đâu?
- Những thành tích bạn đã đạt được bao gồm: thành tích nghiên cứu khoa học, các thành tích cao trong cuộc thi cấp thành phố, cấp quốc gia, các thành tích đạt được từ hoạt động xã hội, chứng nhận kỹ năng mềm…
3.2. Kỹ năng và trình độ
Đề cập đến các kỹ năng bạn có, cái mà liên quan chặt chẽ nhất đến những kỹ năng được liệt kê trong mô tả công việc. Bạn có thể tham khảo yêu cầu về kỹ năng trên thông tin tuyển dụng hoặc những tiêu chí mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Trình bày những kỹ năng về kỹ thuật, kỹ năng mềm (ví dụ như khả năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng tin học văn phòng).
Những kỹ năng này nên được viết rõ trong Resume, viết theo từng dòng và nêu ra những dẫn chứng cụ thể về các công việc mình đã từng làm với các kỹ năng mà mình có.
3.3. Nhấn mạnh các trải nghiệm liên quan
Bạn có thể có ít kinh nghiệm làm việc hay thậm chí công việc đang ứng tuyển sẽ là công việc đầu tiên của bạn, đừng lo lắng vì bạn có rất nhiều kinh nghiệm khác mà bạn có thể rút ra và đưa chúng vào Resume. Hãy nghĩ về những câu lạc bộ bạn đã tham gia, những kỳ thực tập bạn đã từng đảm nhiệm và những vị trí tình nguyện mà bạn đã từng làm. Tất cả những điều này có thể được liệt kê trong “Trải nghiệm liên quan”.
3.4. Sử dụng các “Key word” để hệ thống hóa Resume
Hệ thống lại danh sách các “key word” bạn đã tạo trong khi nghiên cứu các kỹ năng và yêu cầu chung cho công việc bạn đang ứng tuyển. Cố gắng sử dụng một số từ khóa này trong suốt sơ yếu lý lịch của bạn. Trong nháy mắt, điều này sẽ cho người quản lý tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp với công việc.
4. Những điều không nên bao gồm trong Resume
4.1. Những thông tin không liên quan
Điều quan trọng xuyên suốt bản Resume là nhấn mạnh, chứng tỏ giá trị của bạn đối với công ty.
Ví dụ: nếu bạn đang muốn làm việc trong hệ thống thông tin, thì việc thực tập lập trình của bạn sẽ rất quan trọng, nhưng thực tế là bạn đã giành được giải thưởng cho môn trượt nước thì không!
Thế nên, đừng bao gồm sở thích hoặc kinh nghiệm trừ khi chúng liên quan đến công việc.
4.2. Quá dài dòng
Nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng cách trình bày resume cũng quan trọng như nội dung, nhưng thực tế là vậy. Nghiên cứu cho thấy rằng sơ yếu lý lịch của bạn chỉ có vài giây để tạo ấn tượng phù hợp, nhà tuyển dụng mỗi ngày phải làm việc với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn bản Resume. Vì vậy, việc trình bày một cách ngắn gọn, đầy đủ là một điểm sáng cho bản resume của bạn. Điều đó có thể sẽ giúp resume của bạn được “ để ý “ vì tính khoa học và sự tinh tế trong cách trình bày.
Điều này đặc biệt cần lưu tâm khi bạn nộp đơn vào những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, truyền thông… tránh việc trình bày thông tin tràn lan sang trang thứ hai, thậm chí là thứ ba. Nếu bắt buộc phải sang trang, điều cần chắc chắn là những thông tin quan trọng nhất phải ở trang đầu tiên.
Ngoài ra, nếu bạn vẫn đang loay hoay trên con đường tìm việc hay tìm kiếm định hướng cho bản thân mình, hãy thử tham khảo nội dung này của CareerPrep nha!
—————————
CareerPrep – Guide people to the right job
Một platform giúp giới trẻ định hướng công việc & cung cấp insights về ngành nghề.