Giống như một đội bóng trước khi ra thi đấu chính thức phải có thời gian “cày đi cày lại” trên sân cỏ, ứng viên cũng cần phải làm một cuộc cách mạng cho bản thân trước khi gõ những con chữ đầu tiên trong tấm CV của mình.
Cùng CareerPrep Team khám phá xem để có được một chiếc CV hạ gục nhà tuyển dụng, các ứng viên phải trải qua giai đoạn nào nhé!
1. HIỂU MÌNH
Hãy đánh giá lại quá trình hoạt động của bản thân một cách đúng đắn và đầy đủ nhất.
Liệt kê tất cả hoạt động, những kinh nghiệm, các khóa học, buổi huấn luyện đào tạo mà các bạn đã tích góp được trong quá trình làm sinh viên, nhớ ở giai đoạn này liệt kê tất cả và không bỏ sót hoạt động nào, dù là nhỏ nhất nhé. Mô tả cụ thể nội dung của từng hoạt động. Ghi chú lại thành tựu đạt được, kết quả đối với từng hoạt động học tập cũng như công việc, hoạt động ngoại khóa. Ghi lại những kĩ năng học được trong quá trình làm việc.
Một điều hay của bước “HIỂU MÌNH” này là bạn có thời gian đánh giá lại bản thân, xem lại những hoạt động mà mình đã làm, và từ đó giúp bạn tự tin hơn kể cả khi tham dự vòng phỏng vấn. Bạn cũng sẽ không mất nhiều thời gian để trả lời câu hỏi vì bạn chỉ cần sắp xếp và hệ thống hóa lại những nội dung mà bạn đã ghi lại và liệt kê từ trước.
2. HIỂU NGHỀ
Hiểu nghề nghĩa là phải hiểu công ty và hiểu về công việc.
Mỗi công việc các bạn ứng tuyển, mỗi công ty sẽ có những yêu cầu khác nhau. Vì vậy, khi viết CV sinh viên cần tìm hiểu thật kĩ công ty đó chuyên lĩnh vực gì, đang tuyển vị trí nào, yêu cầu cho vị trí ứng tuyển đó ra sao, tiêu chí gì, v.v. Để làm được điều này, các bạn cần phải đọc thật kĩ website của công ty và tốt nhất nên có những buổi trò chuyện với cách anh chị đang làm trong công ty đó nếu có thể để hiểu được rõ hơn về công ty.
Một bạn trẻ từng tham gia Management Trainee của Unilever chia sẻ: “Bản thân chị khi thi vào Unilever chị đã đọc nát hết cái website của công ty, từ những thứ chung nhất như sứ mệnh, lịch sử thành lập, các nhãn hàng, các phòng ban, các hoạt động xã hội v.v… cho đến những thứ chi tiết và liên quan đến công việc hơn như tiêu chí chọn người, nhiệm vụ của phòng ban mình đang tham gia, hoạt động marketing của các nhãn hàng (vì chị nộp phòng marketing), các quảng cáo của nhãn hàng (tập trung vào một vài nhãn hàng mà chị thích nhất hoặc không thích nhất).
Đặc biệt là chị còn xem luôn cả tiêu chí tuyển người và nhiệm vụ của các phòng ban liên quan với Marketing nữa vì đây là điều cần thiết để chị hiểu mình sẽ làm việc với phòng ban nào và bộ máy công ty ra sao. Rồi chị còn sắp xếp lịch hẹn với 2,3 anh chị làm trong Unilever để hỏi thêm những điều thắc mắc về công ty và công việc.
Và có những lần chị còn ra thẳng cả siêu thị, tiệm tạp hóa có bán những sản phẩm của công ty để xem thử tình hình bán hàng, góp ý của người tiêu dùng và hàng tá những thứ hay ho khác, ghi chú lại để có những đề xuất riêng của mình cho công ty nữa.
“Bước “Hiểu nghề” này nếu bạn làm kĩ sẽ rất tốn thời gian, nhưng nếu bạn thực sự hứng thú với công ty thì đây cũng là một quá trình rất vui vẻ và thoải mái ?.
Hơn hết, bạn càng nghiên cứu kĩ thì sẽ càng tạo nên ấn tượng tốt với công ty từ vòng CV cho đến phỏng vấn. Và yên tâm là CV của bạn sẽ không hòa lẫn đâu được trong hàng trăm, hàng nghìn chiếc CV sơ sài, na ná nhau khác. Cũng là CV sinh viên nhưng bạn là sinh viên sẽ gây ấn tượng nhất với nhà tuyển dụng!
3. HÒA TRỘN
Sau khi đã hiểu mình – hiểu nghề kĩ rồi thì, bắt tay vào viết thôi!
Từ khóa cho bước này là từ HÒA TRỘN – hay LỌC THÔNG TIN . Hãy chọn ra những kinh nghiệm và kĩ năng phù hợp với yêu cầu công việc nhất, là điểm giao hòa của những phần bạn ghi trên bước “Hiểu mình” và những điều bạn đã tìm hiểu ở bước “Hiểu nghề”. Bước lọc này rất quan trọng vì CV là để chứng tỏ bạn phù hợp với công việc, giúp bạn được lựa chọn cho những vòng tuyển dụng tiếp theo chứ không phải là kể ra tất tần tật về cuộc đời của bạ?
Hơn nữa, việc tìm điểm giao hòa sẽ giúp cho công ty thấy ấn tượng hơn bởi một chiếc CV được “may đo” cho chính công ty họ chứ không phải sơ sài như rải truyền đơn hàng loạt. Một bạn nộp đơn vào công ty KPMG và khéo léo lồng ghép câu slogan của công ty “Cut through complexity” ở phần nói về bản thân, chắc chắn là nhà tuyển dụng sẽ thấy khác biệt và rất thích.
Và một tips nho nhỏ là các bạn có thể tham khảo một vài CV mẫu trên mạng tương ứng với công việc bạn đang chuẩn bị nộp đơn vào để thấy được những kinh nghiệm và kĩ năng cần làm nổi bật với công việc đó ?. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để bạn xem cách người khác viết CV và học hỏi.
Và CareerPrep Team khuyến khích các bạn tìm mẫu đơn tiếng Anh để ra nhiều mẫu hay ho nhé. Các bạn có thể dùng những key words đính kèm để ra đúng nội dung của một người mới ra trường hơn hơn , ví dụ các bạn xin việc marketing thì có thể search “marketing job entry level sample CV” hoặc “marketing assistant sample CV”, “marketing fresh graduate sample CV”. Xong xuôi hết rồi thì hãy ghi một cách ngay ngắn, tỉ mỉ và hoàn chỉnh vào chiếc CV của mình nhé.
4. HOÀI NGHI
Viết xong CV sinh viên thường nghĩ là đã hoàn thành rồi. Nhưng mà nhiêu đó vẫn chưa xong đâu nhé, hãy có một chút nghi ngờ là CV của mình chưa hoàn thiện đâu và dành thời gian xem thật kĩ để tìm xem những lỗi sai cần sửa chữa. Hãy đọc qua lại chiếc CV của mình nhiều lần nữa.
Rút thông tin ngắn gọn và cô đọng hơn. Các bạn thường có xu hướng viết văn nên đọc đi đọc lại sẽ giúp bạn lược bớt từ từ những từ ngữ không cần thiết.
Kiểm tra lại lỗi chính tả, lỗi định dạng. Cái này cực kì quan trọng, nếu bạn viết xong mà nộp liền 99% là bạn sẽ sai sót, như dính dấu phẩy, dính chữ, in nghiêng in đậm chưa thống nhất. Đọc đi đọc lại nhiều lần sẽ giúp bạn sửa lại hoàn chỉnh nhất.
5. HỌC HỎI
Rồi, kiểm tra xong hết rồi, đã xong chưa? Câu trả lời là vẫn chưa!? Hãy cầm CV của bạn và gửi cho những anh chị có kinh nghiệm hơn để nhận được góp ý. Đó có thể là anh chị của bạn – những người đã có kinh nghiệm xem CV sinh viên và phỏng vấn, hoặc đó cũng có thể là bạn bè có kinh nghiệm hơn trong câu lạc bộ của bạn, v.v…
Đó, viết CV sinh viên nào cũng tưởng rất đơn giản mà sao phức tạp quá đúng không? Người ta có câu nói “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”.
Đúng là bạn sẽ vất vả hơn người khác một chút (hoặc rất nhiều) trong quá trình chuẩn bị, nhưng, bạn sẽ có một kết quả ngọt ngào hơn vì CV của bạn sẽ tốt và ấn tượng hơn rất nhiều so với những người khác, nhà tuyển dụng sẽ chẳng ngại ngần gì mà gọi ngay cho bạn một cuộc điện thoại mời phỏng vấn! Nhanh tay tìm kiếm cho mình một chiếc CV lí tưởng nhé.
Ngoài ra, nếu bạn vẫn đang loay hoay trên con đường tìm việc hay tìm kiếm định hướng cho bản thân mình, hãy thử tham khảo nội dung này của CareerPrep nha!
—————————
CareerPrep – Guide people to the right job
Một platform giúp giới trẻ định hướng công việc & cung cấp insights về ngành nghề.