Đến hẹn lại lên, câu chuyện “làm trái ngành” lại trở nên nóng hơn bao giờ hết trong cộng đồng học sinh, sinh viên và những người tìm việc thời gian gần đây.
Tháng 7 đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời của các bạn: từ học sinh cuối cấp và sinh viên năm cuối thành tân sinh viên và tân cử nhân. Đi cùng với sự chuyển giao này chính là nỗi bất an về một tương lai “trái ngành”. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội thiên biến vạn hóa như lúc này, cảm giác lo sợ ấy mỗi lúc một dâng lên.
Từ khi nào chúng ta bắt đầu sợ hãi trước ác mộng “trái ngành”?
Giây phút đầu tiên một người biết đến khái niệm “trái ngành” là khi đặt bút điền nguyện vọng xét tuyển đại học. Không còn là những cô cậu học sinh chỉ biết dùi mài kinh sử, chúng ta dần ý thức được: Bốn năm đại học là một khoản đầu tư không nhỏ. Nỗi sợ bản thân lầm đường lạc lối trên chặng đường sự nghiệp của mình, vì thế mà hình thành.
Vậy “trái ngành” do đâu mà ra?
Nhiều người cho rằng, ngọn nguồn của vấn đề này đến từ sự thiếu định hướng đúng đắn từ trường học và gia đình. Số khác lại nghĩ đó là vì thị trường việc làm đang ngày một cạnh tranh, đòi hỏi người học phải thật sự vượt trội để vượt qua tất thảy và giành chiến thắng.
Những lý do trên đúng, nhưng … chưa đủ!
“Trái ngành” thực chất đến từ chính mong cầu của chúng ta về một lộ trình nghề nghiệp bằng phẳng nhưng tréo ngoe thay, cuộc sống này lại là một bộ phim với đầy những plot twist. Chúng ta hơn thua nhau chuyện “đúng ngành” – “trái ngành” mà quên mất rằng vốn sống quan trọng nhất ta cần trang bị là khả năng tư duy nhạy bén và các kỹ năng chuyển đổi – vũ khí tối thượng giúp ta thích nghi với những thay đổi khó lường nhưng tất yếu của thị trường.
Hãy thử tưởng tượng những sinh viên may mắn chọn “đúng ngành” từ bốn năm đại học sẽ phản ứng ra sao nếu không nhận được cái gật đầu nào từ nhà tuyển dụng? Nếu họ nhanh chóng nản lòng và nhắm mắt chọn một công việc khác với chuyên ngành từng học, chẳng phải điều này đồng nghĩa với việc chuyển sang làm việc trái ngành sao?
Suy cho cùng, việc “đúng ngành” hay “trái ngành” âu cũng chỉ là một “quy chuẩn” mà đám đông đặt ra để mường tượng khả năng của một nhân sự nơi làm việc. Và cái gọi là quy chuẩn này sẽ hóa vô nghĩa nếu người đó có thể chứng minh năng lực và tình yêu với nghề mình chọn – điều mà các nhà tuyển dụng thật sự tìm kiếm.
“Trái ngành liệu có đáng sợ hay không?” vẫn còn là một câu hỏi mở. Tùy vào trải nghiệm của mỗi người mà câu trả lời có thể khác nhau. Trên hết, câu chuyện “trái ngành” là một phép thử. Không ai khác ngoài chính bạn là người quyết định kết quả của phép thử ấy. Vậy nên đừng sợ hãi mà hãy đón nhận mọi phép thử với tinh thần khai phóng rồi chậm rãi khám phá, bạn nhé! Sau tất cả, “hạnh phúc không phải đích đến, mà là hành trình chúng ta đang đi”.
CareerPrep thương chúc các bạn “chân cứng đá mềm” trên con đường này nhé!
———————-
CareerPrep – Guide people to the right job
Một platform giúp giới trẻ định hướng công việc & cung cấp insights về ngành nghề.