Hi mọi người, sau phần 1 thì tụi mình đã quay trở lại với phần 2 của “Thủ thuật giao tiếp khi bạn không giỏi ăn nói” rồi đây. Lần này tụi mình muốn mang đến cho bạn những tips giao tiếp trong cuộc sống thường nhật chứ không chỉ đối với người mới gặp. Hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem những tips giao tiếp này là gì nhé!
Hãy khen thường xuyên và khen một cách cụ thể
Dù là người lớn hay trẻ em thì lứa tuổi nào mà chẳng ưa ngọt cơ chứ? Vậy nên đừng tiết kiệm lời khen làm gì cả. Hãy cứ khen ngợi khi một người nào đó làm tốt việc của họ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng nên khen một cách tùy tiện bởi vì điều đó có thể khiến người ta “ảo tưởng” về khả năng của bản thân và không cố gắng nữa. Một lời khen đúng thời điểm là một lời khen có giá trị cao nhất, vấn đề là bạn có đủ sự tinh tế để đưa lời khen kịp thời hay không.
Một điều nữa bạn nên tránh đó là khen quá chung chung vì sẽ tạo cảm giác như bạn chỉ đang nịnh bợ, thảo mai.
Giả sử người bạn gái hỏi: “Anh thấy em hôm nay thế nào?” và người bạn trai trả lời: “Em vẫn xinh như mọi ngày mà” thì xin chúc mừng người bạn trai được nhận âm điểm tinh tế.
Cũng trường hợp như trên nhưng nếu bạn trả lời một cách chi tiết như “cái đầm hôm nay em mặc xinh quá, trông rất hợp với đôi giày”, “hôm nay em xịt nước hoa mùi gì thơm thế?”,…Khen như này thì chắc chắn người bạn trai ẵm trọn 100 điểm trong tay luôn rồi 😙.
Tránh trực tiếp thay đổi quan điểm của người khác. Thay vào đó, thể hiện quan điểm bản thân nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của họ.
A và B cùng xem một bộ phim, A thấy nam chính diễn rất hay nhưng B lại không:
A: Bộ phim hôm nay hay thật, anh X diễn quá đỉnh luôn.
B: Công nhận bộ phim hay thật, diễn xuất của anh X trong phim này có sự nổi bật, nhưng mà mình vẫn u mê nhân vật của anh X trong bộ phim năm ngoái.
A: Đúng thật, phim trước có vẻ phong độ tốt hơn nhỉ?
Dù không đồng ý với quan điểm của A nhưng cách B “vừa đấm, vừa xoa” như này đã gián tiếp khiến A đồng tình với quan điểm của mình mà không gây xích mích trong cuộc trò chuyện.
Trò chuyện một cách chân thành, từ tốn
Có bao giờ bạn rơi vào tình huống đầu nói “không” nhưng miệng nói “có” chưa? Bạn có bao giờ cảm thấy tồi tệ khi không thành thật với suy nghĩ của bản thân?
Hầu như ai trong chúng ta cũng đều từng mắc phải vấn đề này, bởi vì ta lo sợ mình khác biệt với quan điểm của người khác, lo sợ bị đánh giá, lo sợ mất lòng với người khác, sợ trải nghiệm của mình không thú vị bằng người khác,…
Cô bạn A ngồi nghe anh bạn B kể về chuyến đi Đà Lạt với bạn bè của mình, A đánh giá đó là chuyến đi thú vị vì họ đã khám phá những nơi ở Đà Lạt mà người khác ít tới. Tuy nhiên, khi được B hỏi ngược lại là A có trải nghiệm gì vui ở Đà Lạt không thì A lại ậm ờ rồi lái sang chủ đề khác vì A thấy câu chuyện của mình chẳng có gì thú vị bằng B.
Thực tế, nếu như bạn càng cố giấu diếm thì bạn càng sợ bị nắm thóp, điều này vô tình sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên căng thẳng hơn đấy.
Nếu đối phương có kể về trải nghiệm du lịch châu Âu thì việc bạn kể về trải nghiệm du lịch trong nước cũng không có gì là thua kém cả. Dù có cùng một địa điểm nhưng mỗi trải nghiệm vẫn là khác nhau, bạn cứ chân thành trò chuyện về những trải nghiệm đó thì đối phương tức khắc sẽ chăm chú lắng nghe thôi.
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn kể về điều đó thì cứ thẳng thắn nói “xin lỗi, mình không muốn kể về nó đâu”, họ sẽ không ép bạn.
Đừng nói nữa, hành động xem
Có câu chuyện được chia sẻ thế này:
“Một đợt mình bị bệnh, nhưng vẫn ráng đi học chứ không nghỉ. Hôm đó, học xong mình về nhà thấy một ly trà sữa được đặt trong tủ lạnh hỏi ba mẹ thì đều không biết ai mua. Tới tối mình đi khám bệnh, khi về thì thấy một bó hoa nhỏ được đặt trước cửa. Mình nhắn tin cho nhỏ bạn thân thì mới biết là nghe tin mình ốm nên bạn mua dù bạn chẳng nói chẳng rằng gì trước đó.”
Trong giao tiếp không nhất thiết phải phụ thuộc vào ngôn ngữ. Nhiều trường hợp mà lời nói thật sự không phải cách giải quyết hữu hiệu nhưng hành động lại có thể làm được nên người ta mới có câu “nói thì dễ hơn làm” đó.
Nếu một người bạn của bạn vừa trải qua một cuộc tình tan vỡ nghe câu nói “không sao đâu”, hoặc “đừng buồn nữa” thì người bạn đó có hết buồn được không? Thay vì vậy, hãy tặng bạn đó một cái ôm hay rủ một buổi “bát phố” cùng nhau sẽ là giải pháp tuyệt vời đấy.
“Follow up” – cảm thán sau những câu nói của đối phương
Nghe nhiều về thủ thuật giao tiếp giúp cuộc trò chuyện thêm phần hứng thú rồi nhưng bạn có biết cách làm sao để khéo léo kết thúc cuộc trò chuyện?
Nhiều người thường hay áp dụng phương pháp “cut and run – chấm dứt vội vã” để kết thúc cuộc trò chuyện một cách nhanh chóng nhưng nó lại khiến bạn trông không lịch sự cho lắm.
Thay vào đó, hãy dùng các mẫu câu “old but gold” như là: Rất vui vì cuộc trò chuyện hôm nay, hẹn gặp bạn lần tới nhé! Hay bạn có thể lặp lại từ quan trọng trong câu đối phương vừa nói và thêm câu cảm thán phía sau, ví dụ như:
Lần tới đi uống cà phê nữa thôi nhỉ?
– Cà phê á? Chắc chắn rồi. Cảm ơn vì đã trò chuyện vui vẻ nhé!
Hay là:
Mình lại mất kính nữa rồi…
– Wow, lại cái nữa hả? Lần đầu tiên mình gặp người có thể làm mất mắt kính ba lần trong một tháng, đỉnh thật!
Giao tiếp không chỉ đơn thuần là sự trao đổi quan điểm giữa người với người mà còn thể hiện sự tinh tế trong thái độ và sử dụng ngôn từ một cách linh hoạt của từng cá nhân. Giao tiếp tốt không phải ngày một ngày hai là được mà cần sự kiên trì thực hành.
Mong rằng những thủ thuật này có thể giúp đỡ mọi người phần nào đó trong việc phát triển kĩ năng giao tiếp để tự tin hơn trong giao tiếp với bất kì ai.
—————–
CareerPrep – Guide people to the right job