Đã bao giờ bạn thắc mắc những bộ phận như Marketing, Sales, Supply Chain làm gì trong FMCG không?
“Đứng trên vai những người khổng lồ” có thể là cụm từ miêu tả đúng nhất về những con người làm Marketing, Sales và Supply Chain trong ngành FMCG bởi trách nhiệm của họ không chỉ là việc giữ vững phong độ kinh doanh của công ty mà còn là việc chia “thân mình” ra để vận hành nhiều danh mục sản phẩm, phục vụ nhiều phân khúc khách hàng – vốn được xem là đặc trưng của các công ty FMCG.
Vì lẽ đó, nhân lực ngành FMCG luôn đòi hỏi sự linh hoạt, sự làm mới liên tục và khả năng chịu được áp lực cao cũng như khả năng thấu hiểu khách hàng & đối tác để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của công ty. Cơ mà nhìn chung, bộ 3 Marketing – Sales – Supply Chain vẫn luôn có những đầu việc điển hình mà nhân viên nào cũng thường follow theo. Cùng CareerPrep khám phá xem cụ thể công việc của họ trông như thế nào nhé!
1. “Làm quần quật” cùng team Marketing
Vốn được xếp vào nhóm low-involvement, các sản phẩm FMCG nom hao hao nhau và thường được người tiêu dùng chọn mua nhanh với mức giá thấp. Do vậy, nhân sự Marketing trong ngành này đòi hỏi phải có trực giác nhạy bén với những thay đổi không ngừng của thị trường để có thể đưa thương hiệu sản phẩm mình hơn tầm đối thủ.
Và sự nhạy bén đó của họ sẽ được thể hiện thông qua những đầu việc chính dưới đây:
1.1. Nghiên cứu thị trường/xu hướng trong ngành FMCG
- Xu hướng thị trường FMCG: Phân tích tác động của các yếu tố môi trường vĩ mô đến hoạt động marketing của doanh nghiệp.
- Nghiên cứu và theo dõi cạnh tranh để dự báo phản ứng của các công ty đối thủ cũng như đề xuất kế hoạch đối phó với cạnh tranh.
- Hành vi mua của người tiêu dùng: phân tích và dự đoán những phản ứng có thể có của người tiêu dùng đối với các chính sách marketing của doanh nghiệp.
Đọc thêm: Market Research là gì? Bắt đầu từ đâu?
1.2. Xây dựng và lựa chọn chiến lược marketing để phát triển thương hiệu
Sau khi thực hiện nghiên cứu thị trường, các FMCG marketer sẽ tiến hành lên chiến lược Marketing theo mô hình 4Ps để có thể tối ưu hóa quá trình đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách trọn vẹn.
Ngoài ra, họ cũng sẽ là người chịu trách nhiệm sản xuất các chiến dịch, hợp tác cùng các agency.
Đọc thêm: Client & Agency làm việc với nhau như thế nào?
Product | Price | Place | Promotion |
– Nghiên cứu và thiết kế sản phẩm mới nhằm đáp ứng tốt hơn mọi thay đổi từ phía nhu cầu của khách hàng. – Xây dựng và quản lý danh mục sản phẩm nhằm đáp ứng các cấp độ nhu cầu khác nhau, các nhóm khách hàng khác nhau. |
Xây dựng và điều chỉnh chính sách giá sản phẩm của doanh nghiệp (mức giá bán, mức hay tỷ lệ chiết khấu, giá khuyến mãi…) | Thiết kế và quản lý hệ thống kênh phân phối sao cho sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. | Xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình khuyếch trương, xúc tiến như quảng cáo, khuyến mại, quan hệ công chúng v.v…, đồng thời đánh giá hiệu quả của những kế hoạch và chương trình xúc tiến đó. |
1.3. Quản lý mối quan hệ với khách hàng
Không riêng gì bộ phận Sales, đội ngũ Marketing trong ngành FMCG cũng phải quan tâm đến các khách hàng của mình trong quá trình sử dụng sản phẩm. Họ sẽ phải phối hợp với bộ phận Sales để khảo sát mức độ hài lòng của khách hàng, từ đó tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng (unmet needs) của khách hàng.
1.4. Thực hiện việc đánh giá và kiểm tra hoạt động marketing của doanh nghiệp
2. “Chạy đôn chạy đáo” như team Sales
Trong ngành FMCG, nhân viên Sales có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu các mặt hàng của doanh nghiệp cho các cửa hàng, đại lý, nhà phân phối. Họ cũng đồng thời đảm nhận việc chăm sóc khách hàng cũ và tìm kiếm khách hàng mới. Thông qua những nỗ lực của mình, Sales có thể từng bước giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về doanh thu.
2.1. Lập kế hoạch bán hàng
Để việc bán hàng đạt được hiệu quả tốt nhất, đội ngũ Sales của các công ty FMCG cần xây dựng bản kế hoạch bán hàng cụ thể. Trong đó, họ phải xác định rõ mục tiêu bán hàng cần đạt được, dự tính số lượng bán ra, thời gian hoàn thành mục tiêu, biện pháp, công cụ để hoàn thành mục tiêu và chuẩn bị hàng mẫu.
2.2. Làm việc với đại lý, cửa hàng, nhà phân phối
Với những đại lý, cửa hàng mới | Với những cửa hàng, đại lý cũ |
Tiến hành giới thiệu, quảng bá sản phẩm, phân tích hiệu quả và làm rõ những lợi ích mà họ có thể nhận được khi tham gia phân phối, bán hàng cho doanh nghiệp. | Cần kiểm kê tồn kho, đồng thời liên tục cập nhật tình hình giá cả và các chương trình bán hàng của đối thủ cho cấp trên để có phương án tiếp thị và bán hàng phù hợp. |
Thêm vào đó, bộ phận Sales trong các công ty FMCG còn phải tích cực liên hệ với những khách hàng tiềm năng, thiết lập và duy trì mối quan hệ với khách hàng, nhanh chóng giải quyết các khiếu nại của khách hàng và chủ động trong việc chăm sóc khách hàng để đảm bảo mục tiêu doanh số.
2.3. Triển khai các chương trình khuyến mãi và thực hiện việc trưng bày sản phẩm tại cửa hàng
Nếu như các chương trình khuyến mãi có thể giúp doanh nghiệp kiểm soát mức độ phân phối của đối thủ và thu hút khách hàng thì việc trưng bày sản phẩm hợp lý sẽ giúp khách hàng chú ý đến sản phẩm của doanh nghiệp. Làm tốt hai việc trên sẽ giúp thúc đẩy việc mua hàng tại cửa hàng.
2.4. Kiểm tra hàng tồn kho
Bộ phận Sales cần tiến hành kiểm tra tồn kho theo định kỳ để đánh giá lượng hàng hóa tiêu thụ tại từng cửa hàng, đại lý. Qua việc đánh giá này, họ có thể xác định được những cửa hàng, đại lý có thể thúc đẩy gia tăng doanh số.
2.5. Chào bán sản phẩm
Nhân viên Sales sẽ chào bán sản phẩm cho chủ cửa hàng theo thứ tự các sản phẩm cần tập trung đẩy doanh số trong tháng, rồi đến các sản phẩm thông thường và sản phẩm khuyến mãi. Đồng thời họ cũng hỗ trợ chủ cửa hàng có sự lựa chọn hàng hóa phù hợp nhất và dẫn dắt họ đi đến quyết định chốt đơn hàng.
2.6. Đánh giá và lập báo cáo kết quả công việc
Đội ngũ Sales cần ghi chép đầy đủ những yêu cầu của chủ cửa hàng cũng như tiến hành đánh giá kết quả công việc đạt được so với mục tiêu đã đặt ra.
Ngoài những đầu việc trên, họ còn phải thường xuyên cập nhật những xu hướng quảng cáo, bán hàng mới trên thị trường để cung cấp cho quản lý cấp trên những báo cáo về nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng cũng như những khó khăn, hoạt động cạnh tranh và tiềm năng của sản phẩm FMCG mới.
3. “Tính muốn sói trán” với team Supply Chain
FMCG Supply Chain chính là chuỗi cung ứng trong ngành hàng sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, bao gồm các công đoạn: bao bì, đóng gói, lưu trữ hàng hóa, kho bãi, vận chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan,…với mục đích cuối cùng là chuyển hàng hóa đến được tay người tiêu dùng sao cho tối ưu nhất.
Không chỉ vậy, mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp trong ngành FMCG phải đối mặt đó chính là cắt giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo xử lý đơn hàng chuẩn, nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng thay đổi cũng như rút ngắn thời gian tung sản phẩm ra thị trường.
3.1. Lên kế hoạch
- Hoạch định nhu cầu, dự báo nhu cầu, bán hàng, lên kế hoạch vật tư và sản xuất.
- Thiết lập và điều chỉnh quy trình, kế hoạch cung ứng để đáp ứng kế hoạch sản xuất.
- Thu thập, phân tích và đánh giá các xu hướng trong ngành hàng FMCG và nhu cầu sản xuất …
3.2. Tìm nguồn cung ứng
- Tìm và mua vật liệu và hàng hóa với giá cả cạnh tranh thông qua xây dựng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp để đảm bảo khả năng cạnh tranh đồng thời đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Phối hợp với các bộ phận phòng ban liên quan cho các hoạt động giảm thiểu chi phí.
3.3. Hỗ trợ đảm bảo hoạt động sản xuất
Đảm bảo cho các sản phẩm chất lượng tốt nhất với giá cạnh tranh, đảm bảo điều kiện an toàn, giảm thiểu tác động môi trường mỗi ngày.
3.4. Cung cấp (Logistics và dịch vụ khách hàng)
Đảm bảo tất cả các sản phẩm có trên kệ hàng của các nhà bán lẻ, đảm bảo được tính sẵn sàng của hàng hóa, quản lý đơn hàng hiệu quả.
Đọc thêm: Làm HR/Finance trong các công ty FMCG là làm gì?