Bạn có phải là kiểu người “hóa vẹt” khi ở gần người quen nhưng lại im thin thít khi ở cạnh những người mới gặp? Nếu bạn có nằm trong số típ người này thì đừng lo, đại đa số mọi người đều gặp phải trường hợp giống bạn.
Tuy nhiên, có một điều CareerPrep chắc chắn là mỗi người đều có khả năng giao tiếp rất tốt chỉ là các bạn chưa thực hành đủ nhiều để phát huy khả năng của bản thân thôi. Vậy thì hãy cùng chúng mình tìm các thủ thuật giao tiếp để đánh bay sự rụt rè đó nhé!
1. Vì sao bạn lại sợ giao tiếp với người mới gặp?
Cũng như việc sợ nói trước đám đông, chúng ta lo lắng khi trò chuyện với người mới gặp lần đầu cũng là điều dễ hiểu, vì từ xưa đến nay chúng ta quen sống theo tính cộng đồng nên việc bị tách biệt khỏi môi trường quen thuộc sẽ khiến ta giao tiếp một cách rụt rè, dè chừng hơn chứ không xởi lởi như trước.
Bên cạnh đó, sự rụt rè trong giao tiếp còn xuất phát từ những nhận thức sai lệch như: sợ người khác “soi” được điểm yếu của mình, tự đánh giá thấp bản thân và cho rằng mình nói không hay bằng người ta,…
2. Làm sao để đánh bay sự rụt rè đó?
Trong trường hợp này, hãy nói dối. Khoan! Không phải nói dối đối phương mà là NÓI DỐI BỘ NÃO CỦA BẠN.
Cứ tự nhủ rằng: “người kia chắc cũng đang lo lắng như mình thôi, việc gì mình phải sợ? Nếu không thấy sự lo lắng trên mặt họ thì là do họ che giấu quá giỏi thôi, mình cũng làm được!”.
Mà không biết chừng đối phương cũng đang lo lắng thật đấy chứ :v
3. Vài thủ thuật giao tiếp khiến cuộc trò chuyện diễn ra thật “smooth” (P1)
- Thấy gì vừa “xẹt” ngang qua mắt là “bắt” liền luôn
Ví dụ như hôm trước, mình hẹn đi cà phê với một người bạn A, tụi mình mới gặp nhau lần đầu thôi nhưng trộm vía, cuộc trò chuyện diễn ra khá suôn sẻ.
Bạn A: Xin lỗi mình đến trễ, bạn đợi có lâu không?
– Không sao đâu, chắc tại chỗ này khó kiếm ha?
Bạn A: Cũng hơi khó kiếm thật, mà tại mình cũng có việc bận đột xuất chạy tới chỗ này chỗ kia.
– Mấy chỗ đó có xa lắm không?
Bạn A: Cũng không xa lắm, chuyển chỗ ở mới ấy mà.
– Ui, cực bạn thếeee.
Bạn A: Ui trờiii, mình nhờ bạn cùng phòng chuyển phụ rồi, nên không sao đâu.
– Bạn ở với bạn cùng trường đại học hả? Ở đông không?
Bạn A: Tầm 2-3 người mà khác trường nhau hết á, lại còn khác quê. Đứa Đà Lạt, đứa Nha Trang,…nên mỗi lần đi du lịch ở mấy chỗ đó tụi mình đỡ khoản tìm nơi ở lắm haha.
– Nghe có vẻ là đi du lịch nhiều lắm đây. Vậy bạn thích đi chỗ nào nhất?
(…)
Thế là từ việc bạn A tới trễ tụi mình dần “lái” sang chủ đề du lịch mà không cần phải list ra là nên nói gì.
Nếu bạn đang ở ngoài trời có thể bắt đầu từ chuyện thời tiết, hoặc thấy đối phương mặc bộ đồ thu hút có thể bàn về gu ăn mặc,…Dù là người mới gặp lần đầu thì chúng ta cũng không cần quá đắn đo là nên bắt đầu như nào, bạn chỉ cần quan sát một chút sẽ thấy hàng tá chủ đề để trò chuyện đấy.
- Thể hiện sự đồng cảm
Có cuộc đối thoại như này:
A: Bài thi thể chất trường mình yêu cầu khó quá, toàn bắt làm mấy nội dung quá sức, còn phải làm liên tục không cho nghỉ nữa chứ.
B: Chịu thôi bạn ạ, cố lên nha.
Cũng câu chuyện đó nhưng là A nói với C:
A: Bài thi thể chất trường mình khó quá, toàn bắt làm mấy nội dung quá sức, còn phải làm liên tục không cho nghỉ nữa chứ.
C: Quá trời đất, sao trường làm khó vậy nhỉ? Trường tính đào tạo vận động viên hay gì vậy trời?
Và đoán xem ai là người chiếm được cảm tình của A nào? Chắc chắn là C rồi.
Đôi khi, có những chuyện người khác kể ra là vì họ muốn tìm kiếm sự đồng cảm chứ không phải là cách giải quyết, nên hãy cứ tỏ ra đồng cảm dù bạn có thật sự đồng cảm được hay không. Điều này thể hiện bạn là người tinh ý, có EQ nhạy bén và sẽ khiến đối phương thích trò chuyện với bạn hơn đấy.
- Ai cũng cần được nói, ai cũng cần được nghe
Trong một quyển sách của Larry King từng viết rằng: “Mỗi sáng thức dậy tôi đều tự nhủ rằng nói hay chưa đủ mà còn phải biết lắng nghe.”
Tưởng tượng, nguyên buổi hẹn bạn chỉ ngồi nghe người khác nói thì bạn có vui không? Bạn có cảm thấy rằng mình mình bị “ra rìa” không? Hay, cả buổi hẹn mà đối phương chỉ muốn bạn nói chứ họ lại không muốn chia sẻ gì về bản thân thì chắc chắn bạn sẽ nản lắm.
Mục đích của cuộc trò chuyện này là gì? Chẳng phải chúng ta đều muốn hiểu rõ nhau nhiều hơn sao? Nếu đối phương hỏi bạn về điều gì thì cứ chân thành chia sẻ với họ và sau đó bạn hãy hỏi ngược lại họ về trải nghiệm tương tự. Đôi khi, người ta hỏi bạn về một vấn đề nào đó cũng chỉ vì họ đã từng ở trong trường hợp như vậy và họ đang muốn có cơ hội để kể ra với bạn mà thôi.
Nếu bạn thấy hứng thú với những thủ thuật giao tiếp này thì mời bạn đọc tiếp tại đây.
——————————