Hi mọi người,
Chuyện là hôm nay lượn lờ WordPress thì CareerPrep bắt gặp được một bài viết rất hay về cách vay mượn ý tưởng từ chị Ngô Thùy Trang nên xin phép chia sẻ cho mọi người cùng học hỏi nhé!
“Trong hằng hà sa số những câu Quote trôi nổi trên mạng nguồn gốc khó mà kiểm chứng, tôi nhớ được vài câu, và lấy thú vị nhất với câu “A GOOD ARTISTS COPY, GREAT ARTISTS STEAL” – Một nghệ sĩ giỏi là người đi sao chép, một nghệ sĩ vĩ đại thì “ăn cắp”. (Sao chép ở đây nên hiểu một nghĩa tích cực là quan sát và thể hiện lại nguyên bản, còn “ăn cắp” mang hàm ý biến vật thể, sự việc thành sản phẩm của mình, mang dấu ấn riêng có của mình).
Câu quote nổi tiếng được Steve Jobs nhắc đến và cũng gắn liền với tên tuổi của Picasso. “Nghệ thuật ăn trộm” và chơi chữ đỉnh cao, “ăn cắp” việc “ăn cắp”, mà vốn dĩ người ta không thể xác minh được là của Steve hay của Picasso hay một ông trời ơi đất hỡi nào đó.
Kỳ thực việc trùng lặp ý tưởng là bình thường, việc ứng dụng những gì của người khác vào từng TH cụ thể khác nhau cũng là bình thường. Dám cá ai trong chúng ta cũng từng ăn trộm gì đó. Thông qua sự vay mượn kiến thức, tư duy, ý tưởng, trong sách, từ đồng nghiệp, từ những người vô tình gặp phải, từ bài học thành công, thất bại của kẻ khác. Chúng ta sao chép những gì mình quan sát được và áp dụng nó vào trong mọi lĩnh vực, thiết kế, khoa học, y tế, công nghệ,… Tuy nhiên ăn cắp cũng có những luật lệ và nghệ thuật riêng của nó. Và nghề nào, để đạt đến trình độ master quả lắm công phu.
Thế nên đừng sợ và kỳ thị việc “ăn cắp” ý tưởng, nên sợ việc sao chép mà chẳng một chút chất xám. Vì từ ý tưởng đến thành hiện thực, là một hành trình gian nan, chỉ có kẻ thực đi mới hiểu rõ con đường đó như thế nào. Kể cả có bị thua kém vì không bằng về mặt nhân lực, vật lực, thì cũng chẳng có gì quá đáng ngại. Kẻ đã có ý tưởng thật, tất yếu không chỉ dừng ở một. Steve nếu không bị đuổi ra khỏi Apple, đã không vực lại một Pixar danh tiếng. Dù công nghệ và hoạt hình là một lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan.
Ý tưởng như sao trên trời, lúc mờ lúc tỏ, có lúc tuyệt như chẳng thấy một ánh sáng nào, nhưng kỳ thực nó luôn ở đó. Việc của bạn là cố gắng ghi lại, bất kỳ một ý tưởng nào, dù vô tình xẹt qua trong đầu. Bạn sẽ không ngờ nó có thể giúp ích cho mình thế nào vào những ngày không trăng không sao.
Nếu vẫn còn bí quá, à, hãy đi ăn cắp. Ăn cắp với nghệ thuật và tuân thủ luật lệ của một kẻ trộm văn minh. Nhào nặn nó, biến hóa nó, ứng dụng nó, chuyển đổi nó, học hỏi nó, kết hợp nó, và biến nó thành cái của mình, với lòng tự trọng của một kẻ trộm văn minh. Ăn cắp mà chẳng ai biết là bạn đi ăn cắp. Ăn cắp mà tuyệt chẳng còn dấu hiệu của chủ thể xưa.
Bởi vì một kẻ trộm giỏi là kẻ có thể lấy được từ mọi nơi, không phải là kẻ ăn cắp được ở một vài nơi chủ đích. Cũng giống như sự khác nhau giữa một tướng quân và một tên đồ tể. Tướng quân chinh phạt 5 châu bốn bể, máu đổ không ít trong khi đồ tể mài dao chỉ để giết người hắn muốn, hoặc buộc phải tuân lệnh.
(Lời tự thú của một kẻ trộm tự nhận mình là văn minh, bí ý tưởng toàn dùng google, đọc tài liệu nước ngoài và thích dùng template, thích quan sát, phân tích, phán đoán và có bản năng trong việc con ruồi bay qua cũng nghĩ đến việc sẽ dùng được nó vào việc gì, ở đâu, khi nào. Ngoài những lúc thường xuyên liên tục bị ngẫn ra).”
CareerPrep xin cảm ơn chị Trang rất nhiều vì bài viết cực kì insightful này. Qua bài này CareerPrep tin rằng không chỉ chúng mình mà tất cả các bạn đọc cũng đã có thể tích góp được thật nhiều điều bổ ích cho hành trang kĩ năng của bản thân rồi nhỉ?
Xem thêm: Job Box #1: Kĩ năng cần thiết trong Marketing
CareerPrep – Guide people to the right job